Giai đoạn trên đường đến Nam Kinh Trận_Nam_Kinh

Trung Quốc chuẩn bị phòng thủ

Vào ngày 20 tháng 11, quân đội Trung Quốc và các đội lao động từng nhập ngũ bắt đầu khẩn trương củng cố hệ thống phòng thủ của Nam Kinh cả bên trong và bên ngoài thành phố.[23][24] Bản thân Nam Kinh được bao bọc bởi những bức tường đá sừng sững kéo dài gần 50 km (31 dặm) xung quanh thành phố.[25] Các bức tường đã xây dựng hàng trăm năm trước từ thời nhà Minh, mỗi bức cao tới 20 m (65 feet), dày 9 m (30 feet) và được trang bị các ụ súng máy.[26] Đến ngày 6 tháng 12, tất cả các cổng vào thành phố đều đóng lại và sau đó được rào bằng một lớp bao cát và bê tông dày 6 m (20 feet).[27][28]

Bên ngoài những bức tường là một loạt các phòng tuyến hình bán nguyệt xây dựng trên đường tiến công của quân Nhật. Đáng chú ý nhất là vòng ngoài cùng cách thành phố 16 km (10 dặm) và vòng trong cùng nằm ngay bên ngoài thành phố tên là Phú Khoác (một loại phòng tuyến đa điểm).[29][30][31] Phòng tuyến Phú Khoác là một mạng lưới rộng lớn gồm rãnh, hào, hàng rào kẽm gai, bãi mìn, ụ súng và lô cốt. Nó là tuyến phòng thủ cuối cùng bên ngoài bức tường thành Nam Kinh. Ngoài ra còn có hai điểm đất cao quan trọng trên phòng tuyến Phú Khoác, bao gồm đỉnh Tử Kim Sơn ở phía đông bắc và cao nguyên Vũ Hoa Đài ở phía nam. Cả hai nơi đều xây dựng công sự cực kỳ dày đặc.[23][32][33] Để ngăn không cho quân xâm lược Nhật tràn vào bất kỳ nơi trú ẩn hay kho tiếp tế nào trong khu vực, Đường đã thông qua một chiến lược tiêu thổ kháng chiến vào ngày 7 tháng 12. Ông ra lệnh đốt hết tất cả các nhà cửa và công trình trên đường tiến công của quân Nhật trong vòng 1–2 km (1,2 dặm) của thành phố, cũng như tất cả căn nhà và công trình gần đường lộ trong vòng 16 km (10 dặm).[23]

Lực lượng Đồn trú Nam Kinh về lý thuyết là một đội quân đáng gờm gồm 13 sư đoàn, bao gồm 3 sư đoàn tinh nhuệ do Đức huấn luyện cùng với Lữ đoàn huấn luyện siêu tinh nhuệ. Nhưng trên thực tế, hầu hết những đơn vị đổ về chiến đấu ở Nam Kinh đều đã bị tấn công dữ dội từ trận Thượng Hải.[34][35] Khi đến Nam Kinh, họ đều kiệt quệ về thể chất, trang bị kém và tổng sức mạnh quân đội bị cạn kiệt. Để bổ sung thêm vào đơn vị này, 16.000 thanh niên lẫn thiếu niên từ Nam Kinh và các thôn làng xung quanh nhanh chóng bị ép nhập ngũ với tư cách là tân binh.[23][36] Quân đoàn 2 cũng nhập thêm 14.000 tân binh từ Hán Khẩu để bổ sung vào hàng ngũ.[37] Tuy nhiên, do sự tiến công nhanh chóng bất ngờ của quân Nhật, hầu hết lính nghĩa vụ tân binh đều chỉ mới được huấn luyện sơ sài về cách bắn súng trên đường đi hoặc khi đã ra tiền tuyến.[23][35] Không có tồn tại bất kỳ thống kê chính xác nào về số lượng binh lính mà Lực lượng Đồn trú Nam Kinh tập hợp được vào thời điểm trận chiến xảy ra. Tuy nhiên, theo những nguồn ước tính hàng đầu thì số lượng có thể dao động từ 73.790 đến 81.500 (theo David Askew),[38] hoặc 100.000 (theo Hata Ikuhiko),[2] hoặc khoảng 150.000 (theo Kasahara Tokushi).[23]

Một thường dân Trung Quốc bế người con đang hấp hối vì bị thương nặng trong cuộc không kích của Nhật Bản vào Nam Kinh

Trong thời kỳ này, Không lực Hải quân Đế quốc Nhật Bản thường xuyên tiến hành các cuộc không kích vào Nam Kinh. Tính tổng cộng thì có 50 cuộc không kích theo ghi chép của Hải quân.[39] Không lực Hải quân Đế quốc tấn công Nam Kinh lần đầu vào ngày 15 tháng 8. Vào ngày 19 tháng 9, lực lượng này chiếm được ưu thế trên không đối với thành phố và bắt đầu oanh tạc cả ngày lẫn đêm mà không gặp sự phản kháng nào. Họ đánh phá cả mục tiêu quân sự và dân sự.[39] Trước mưa bom bão đạn của không quân và sự tiến công không ngừng của lục quân Nhật Bản, phần lớn người dân Nam Kinh đều vội vã rời bỏ thành phố. Tính đến đầu tháng 12, dân số Nam Kinh giảm từ tổng số trước đây là 1 triệu người xuống còn 500.000 người. Con số này còn bao gồm cả những người tị nạn từ các thôn làng bị thiêu rụi bởi chính sách tiêu thổ kháng chiến của chính phủ.[40][41] Hầu hết những người kẹt lại ở thành phố đều rất nghèo và không có nơi nào để đi.[40] Cư dân ngoại quốc ở Nam Kinh cũng liên tục yêu cầu muốn rời khỏi thành phố đang ngày càng chìm trong hỗn loạn của các cuộc oanh kích, hỏa hoạn, tội phạm cướp bóc và mất điện.[28][42] Tuy nhiên, cũng có một số ít người nước ngoài đủ dũng cảm để ở lại thành phố tìm cách giúp đỡ thường dân Trung Quốc không thể rời đi.[43] Một trong số đó có công dân Đức John Rabe, ông thành lập Khu an toàn Nam Kinh ở trung tâm thành phố. Khu an toàn này là một khu phi quân sự tự xưng nhằm tập hợp người dân tị nạn, với hi vọng tách họ khỏi những cuộc giao tranh.[40] Chính phủ Trung Quốc công nhận khu vực này[44] vào ngày 8 tháng 12, Đường Sinh Trí yêu cầu tất cả thường dân phải sơ tán đến đó.[27]

Trong số những người Trung Quốc tìm cách rút khỏi Nam Kinh có Tưởng Giới Thạch và phu nhân là Tống Mỹ Linh. Họ đã bay khỏi Nam Kinh trên một chiếc máy bay trước rạng sáng ngày 7 tháng 12.[45] Thị trưởng Nam Kinh và hầu như cả chính quyền thành phố đều rời đi trong cùng ngày, phó thác việc quản lý thành phố cho Lực lượng Đồn trú Nam Kinh.[45]

Nhật Bản hành quân đến Nam Kinh

Vào đầu tháng 12, Phương diện quân Trung tâm Trung Quốc của Nhật Bản tăng số quân hiện có lên hơn 160.000 người.[46] Mặc dù, cuối cùng chỉ có khoảng 50.000 trong số này sẽ tham gia chiến đấu.[47] Quân Nhật lên kế hoạch tấn công Nam Kinh bằng một chiến thuật gọng kìm gọi là "bao vây và tiêu diệt".[45][48] Hai mũi gọng kìm của Phương diện quân Trung tâm là Binh đoàn Viễn chinh Thượng Hải tiến từ sườn đông và Quân đoàn 10 tiến từ sườn nam. Ở phía bắc và phía tây Nam Kinh có sông Trường Giang nhưng người Nhật đã lên kế hoạch chốt chặn đường thoát hiểm này bằng việc điều động một hải đoàn ngược dòng sông, đồng thời triển khai hai biệt đội vây quanh phía sau thành phố.[49] Biệt đội Kunisaki sẽ vượt sông Trường Giang ở phía nam với mục đích cuối cùng là chiếm Phổ Khẩu ở bờ tây Nam Kinh. Còn Biệt đội Yamada sẽ được cử đi trên tuyến đường cực bắc với mục tiêu quan trọng là chiếm Mạc Phụ Sơn ngay phía bắc Nam Kinh.[49]

Binh lính Nhật hành quân đến Nam Kinh

Tướng Matsui cùng với Bộ tổng tham mưu quân đội dự định tiến hành một cuộc hành quân chậm mà chắc đến Nam Kinh. Tuy nhiên, cấp dưới của ông lại không nghĩ như vậy mà thay vào đó, họ hăm hở chạy đua với nhau để trở thành người đầu tiên đến thành phố.[50][51][52] Tất cả đơn vị vì thế mà ồ ạt đến Nam Kinh với tốc độ chống mặt lên tới 40 km (25 dặm) một ngày.[53] Chẳng hạn như Quân đoàn 10 đã chiếm được thị trấn then chốt Quảng Đức vào ngày 30 tháng 11, tức là sớm hơn 3 ngày so với kế hoạch dự định. Về phía Binh đoàn viễn chinh Thượng Hải thì họ chiếm Đan Dương vào ngày 2 tháng 12, sớm hơn 5 ngày so với dự tính.[50] Để đạt được vận tốc như vậy, binh lính Nhật mang theo rất ít vũ khí và đạn dược.[54] Bởi lẽ lính Nhật đi nhanh hơn cả tuyến đường tiếp viện nên họ phải mua hoặc cướp thực phẩm từ thường dân Trung Quốc trên đường đi.[54]

Trong suốt cuộc tiến công, quân Nhật dễ dàng đánh bại sự kháng cự yếu ớt của lực lượng Trung Quốc vốn đã bị vùi dập từ trận Thượng Hải.[29][36] Ưu thế hoàn toàn trên không cùng với lượng xe tăng dồi dào đều góp phần hỗ trợ quân Nhật. Về phía Trung Quốc, hệ thống phòng thủ của họ lúc này mang tính chất ứng biến và xây dựng vội vàng. Chiến lược phòng thủ của họ lại là tập trung lực lượng trên những khoảng đất nhỏ, tương đối cao nên dễ dàng bị đánh tạt sườn và bao vây.[9][55][56]

Vào ngày 5 tháng 12, Tưởng Giới Thạch đến thăm một doanh trại phòng thủ gần Cú Dung để tăng cường sĩ khí cho binh lính. Tuy vậy, ông buộc phải rút lui khi Lục quân Đế quốc Nhật Bản bắt đầu tấn công trên chiến trường.[57] Trong ngày hôm đó, các lực lượng con của Binh đoàn viễn chinh Thượng Hải chiếm đóng Cú Dung một cách nhanh chóng và sau đó tiến đến Xuân Hoa Trấn, một điểm then chốt thuộc tuyến phòng thủ ngoài Nam Kinh mà dự định sẽ đặt quân Nhật vào tầm ngắm của thành phố.[30][45][57] Tại đây, Sư đoàn 51 của Trung Quốc tung lực lượng chủ lực vào giao tranh, liên tục đẩy lùi các cuộc tấn công của quân Nhật trước khi bị Binh đoàn viễn chinh Thượng Hải bẻ gãy vào ngày 8 tháng 12.[57] Binh đoàn cũng chiếm luôn pháo đài ở Trấn Giang và thị trấn nghỉ dưỡng Đường Thủy Trấn vào cùng ngày.[58] Trong khi đó, ở phía nam tuyến phòng thủ, các xe thiết giáp của Quân đoàn 10 đột kích ồ ạt vào cứ điểm ở Tướng Quân Sơn và Ngưu Thủ Sơn do Sư đoàn 58 của Trung Quốc trấn giữ.[57] Binh lính Trung Quốc hùng hổ nhảy lên xe bọc thép của họ và cầm búa đập liên tục vào nóc phương tiện hét lên "Rời khỏi đây ngay". Nhưng sau khi màn đêm buông xuống chiến trường, Sư đoàn 58 cuối cùng cũng bị áp đảo vào ngày 9 tháng 12 với khoảng 800 người thương vong theo thống kê của họ.[57]

Đến ngày 9 tháng 12, các lực lượng Nhật Bản đã tiến đến phòng tuyến Phú Khoác, tuyến phòng thủ hoành tráng cuối cùng của Nam Kinh.[59] Tại thời điểm này, tướng Matsui soạn thảo một "lệnh triệu tập đầu hàng" yêu cầu quân Trung Quốc gửi những phái viên quân sự đến Cổng Trung Sơn ở Nam Kinh nhằm thảo luận về các điều khoản cho phép quân Nhật chiếm đóng thành phố trong hòa bình. Sau đó, ông cho một chiếc chiến cơ Mitsubishi Ki-21 rải hàng nghìn bản sao của thông điệp xuống toàn thành phố.[60][61] Vào ngày 10 tháng 12, nhóm nhân viên cấp cao của Matsui chờ đợi xem liệu cánh cổng có mở hay không nhưng cuối cùng, Đường Sinh Trí không có ý định phản hồi.[61]

Sau ngày hôm đó, Đường tuyên bố với quân của mình rằng "Quân đội chúng ta đã bước vào trận chiến cuối cùng để bảo vệ Nam Kinh trên phòng tuyến Phú Khoác. Mỗi đơn vị sẽ cương quyết bảo vệ đồn trú với quyết tâm sống chết cùng nó. Các anh không được phép tự ý rút lui khiến cho hàng phòng ngự sụp đổ."[59][62] Phóng viên người Mỹ F. Tillman Durdin tường thuật tại hiện trường trận chiến có chứng kiến thấy một tốp lính Trung Quốc dựng chướng ngại vật, kết chúng thành hình bán nguyệt trang nghiêm và hứa với nhau rằng họ sẽ cùng hi sinh tại nơi họ đứng.[56]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Nam_Kinh http://jds.cass.cn/UploadFiles/zyqk/2010/12/201012... http://www.njrd.gov.cn/jlzg/201502/t20150202_31836... http://www.ibiblio.org/hyperwar/PTO/IMTFE/IMTFE-8.... http://thenankingmassacre.org/2015/07/03/from-shan... http://thenankingmassacre.org/2015/07/04/what-west... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... https://ww2db.com/battle_spec.php?battle_id=38 https://web.archive.org/web/20150709222256/http://... https://web.archive.org/web/20150721163202/http://... https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Battle...